Ngủ không đủ giấc không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần, mà thực sự còn tác động đến sự tương tác xã hội của một người.
Thiếu ngủ được rất nhiều nghiên cứu khoa học trước đây chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm, tiểu đường và huyết áp cao – Ảnh: ANDREA PIACQUADIO / PEXELS
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học PLoS Biology, các nhà khoa học Mỹ khẳng định: một người thiếu ngủ trong thời gian dài có xu hướng thu hẹp cuộc sống của mình, sống cá nhân, tăng tính ích kỷ và giảm tương tác xã hội.
Trong khi đó, tương tác xã hội và giúp đỡ đồng loại là một trong những nền tảng của xã hội văn minh.
Để đưa ra kết luận này, nhóm các nhà khoa học từ Đại học California đã thực hiện 3 nghiên cứu riêng biệt, nhằm quan sát đ.ánh giá tác động của việc mất ngủ đối với sự tương tác xã hội và sẵn sàng giúp đỡ người khác của mọi người.
Trong nghiên cứu đầu tiên, 24 tình nguyện viên khỏe mạnh được chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để quét não sau tám giờ ngủ và sau một đêm không ngủ. Kết quả cho thấy các vùng não chịu trách nhiệm hình thành lý thuyết về mạng lưới tâm trí, hoạt động khi mọi người đồng cảm với người khác hoặc cố gắng hiểu mong muốn và nhu cầu của người khác, sẽ ít hoạt động hơn sau một đêm mất ngủ.
Ở nghiên cứu thứ hai, nhóm nhà khoa học đo chất lượng giấc ngủ của hơn 100 tình nguyện viên khác trong bốn đêm. Sau đó đ.ánh giá mong muốn giúp đỡ người khác của họ, chẳng hạn như bấm thang máy cho người khác, tình nguyện giúp đỡ một người lạ bị thương trên đường. Kết quả tương tự như nghiên cứu đầu tiên, những người ngủ ít hoặc mất ngủ sẽ giảm cảm giác muốn nói chuyện và không còn sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Nghiên cứu thứ ba tập trung vào việc khai thác cơ sở dữ liệu của 3 triệu khoản quyên góp từ thiện ở Hoa Kỳ từ năm 2001 đến năm 2016. Các nhà khoa học nhận thấy số t.iền quyên góp giảm 10%. Tuy nhiên, mức giảm t.iền quyên góp lại diễn ra ở thời điểm giao mùa, khi ngày trở nên dài hơn đêm. Khi đó mọi người ngủ ít hơn.
“Thông thường, khi chúng ta nghĩ về một ai đó, mạng lưới ở vùng não này sẽ làm việc khiến chúng ta hiểu nhu cầu của người đó. Chúng ta quan tâm và muốn giúp đỡ người đó. Tuy nhiên, mạng lưới này đã bị suy giảm rõ rệt chức năng khi chúng ta thiếu ngủ”, tiến sĩ Eti Ben Simon (Đại học California), thành viên nhóm nhà khoa học, cho biết.
Thiếu ngủ được rất nhiều nghiên cứu khoa học trước đây chứng minh là có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm, tiểu đường và huyết áp cao. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này đã cho thấy thiếu ngủ cũng làm giảm sự tương tác xã hội cơ bản, tăng tính ích kỷ, làm suy yếu thuộc tính cơ bản của con người, khiến chúng ta mất dần tấm lòng vị tha và mong muốn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Theo giáo sư Matthew Walker – thành viên nhóm khoa học, kết quả nghiên cứu này đã bổ sung bằng chứng chứng minh rằng thiếu ngủ không chỉ gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của một người mà còn làm tổn hại đến mối liên kết giữa các cá nhân, và thậm chí là tình cảm vị tha của cả một dân tộc. Cụ thể là làm suy giảm các tương tác xã hội giữa các cá nhân. Từ đó, làm suy giảm cấu trúc vận hành của xã hội loài người, đó là sự giúp đỡ đồng loại.
Ngay cả chỉ một đêm thiếu ngủ cũng khiến cho một người trở nên mệt mỏi, dễ cáu gắt, lười giao tiếp, mất kết nối xã hội và không sẵn lòng giúp đỡ người khác.
“Hãy ngủ đủ giấc. Nếu bạn ngủ không đủ giấc, nó không chỉ làm tổn hại đến hạnh phúc của riêng bạn mà còn làm tổn hại đến hạnh phúc của toàn bộ cộng đồng xã hội quanh bạn, bao gồm cả những người xa lạ”, tiến sĩ Eti Ben Simon nhấn mạnh.
7 mẹo nhỏ xua tan nỗi lo âu và căng thẳng ngay tức thì
Những phương thức đơn giản sau đây sẽ giúp bạn “đánh bay” những lo lắng và cảm xúc tiêu cực trong thời gian ngắn.
Trên toàn thế giới có khoảng 275 triệu người mắc chứng lo âu. Căng thẳng là một vấn đề đáng được quan tâm vì sự ảnh hưởng sâu sắc của nó đến sức khỏe thể chất và tinh thần mỗi người. Ngoài những giải pháp lâu dài cung cấp bởi các nhà trị liệu, cũng có một số phương pháp đơn giản có thể hỗ trợ bạn đáng kể trong việc khắc phục cảm xúc tiêu cực tức thì.
1. Súc miệng
Ảnh minh họa.
Súc miệng sẽ kích thích dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh này sẽ gửi thông tin về việc điều hòa lo lắng đến não của bạn. Việc kích thích dây thần kinh này có thể làm chậm phản ứng căng thẳng, giúp bạn bớt âu lo và có tâm trạng tốt hơn. Ca hát và cười cũng có thể tạo ra phản ứng tương tự đến dây thần kinh này.
2. Cái ôm “bươm bướm”
Kỹ thuật kích thích hai bên của cơ thể này có thể giúp bạn bình tĩnh và bớt lo lắng hơn nhanh chóng. Cách thực hiện như sau:
Bắt chéo tay, úp lòng bàn tay xuống vào trong và đặt trước ngực.
Bạn cũng có thể đan hai ngón tay cái vào nhau. Chúng nên được đặt ngay dưới xương đòn của bạn.
Bắt đầu chạm vào khu vực gần vai bằng bàn tay một cách chậm rãi, luân phiên hai bên trái-phải.
Điều quan trọng khi thực hiện bài tập này tập trung nhận thức vào bản thân và thở chậm đi. Chúng sẽ giúp tinh thần của bạn ổn định và dễ chịu hơn trước.
3. Thở ra lâu hơn
Thở ra chậm là một cách khác để kích thích dây thần kinh phế vị, đặc biệt tốt trong việc giúp giảm căng thẳng. Thời gian thở ra của bạn nên dài gấp đôi so với hít vào, ví dụ như 4 giây hít vào sau đó là 8 giây thở ra. Hãy thực hiện ít nhất 5 chu kỳ thở dài khoảng 12 giây như vậy để cải thiện cảm xúc. Khi hít vào, bạn nên chú ý thực hiện thao tác này bằng mũi. Khi thở ra thì hãy mím môi lại, như thể bạn sắp thổi nến trên bánh sinh nhật.
4. Ngửi vật có mùi quen thuộc
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hít một số mùi nhất định có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Ví dụ, sử dụng một số loại tinh dầu thơm có thể giúp bạn thư giãn. Một cách khác tương tự có thể làm dịu thần kinh là ngửi những mùi dễ chịu và quen thuộc. Ngửi quần áo đã sử dụng có mùi của người yêu cũng được xem là một phương pháp giúp nhiều người cảm thấy thoải mái.
5. Cầm đá viên
Đây là một thủ thuật có thể giúp bạn kiểm soát cơn hoảng loạn. Hãy cầm một viên đá lạnh trong tay và giữ càng lâu càng tốt. Sau đó đặt nó sang bàn tay còn lại. Điều này có thể giúp bạn tập trung sự chú ý vào cảm giác khó chịu vì lạnh thay vì hoảng sợ, do đó giảm thiểu cảm giác lo lắng tột độ. Nếu bạn không có ở nhà hoặc không có đá viên gần đó, bạn có thể thay thế bằng kẹo chua nhỏ gọn. Chúng cũng có thể có mang lại tác dụng tương tự.
6. Thư giãn cơ liên tục
Phương pháp này bao gồm việc kéo căng và thư giãn các cơ trên toàn bộ cơ thể, mục đích để bạn thư giãn cả người. Cách làm này cũng có khả năng giúp bạn xác định bộ phận nào của cơ thể đang phải chịu áp lực hoặc căng thẳng. Dưới đây là một số ví dụ về những thao tác có thể áp dụng với các bộ phận khác nhau:
Bàn chân: Co các ngón chân hướng vào lòng bàn chân thật chặt, giữ nguyên tư thế trong 10 giây và rồi từ từ thả ra.
Vai: Co vai lại lên gần tai và giữ nguyên tư thế trong vòng 10 giây. Sau đó, thả lỏng hai vai về lại tư thế tự nhiên.
Khuôn mặt: Nheo mắt và co rúm toàn bộ khuôn mặt hướng vào phía giữa, giữ yên trong vòng 10 giây. Sau đó, hãy thả lỏng toàn bộ khuôn mặt.
7. Kỹ thuật tự do cảm xúc (EFT)
Cách thức này đã được chứng minh là giúp giảm lo âu và trầm cảm. Kỹ thuật tự do cảm xúc (EFT) dựa vào tác động của việc bấm huyệt. Các huyệt đạo là những điểm nằm trên cơ thể được xem như là những “trung tâm năng lượng”, có chức năng kết nối chúng ta với những cảm giác về thể xác và tinh thần. Thao tác “gõ” nhẹ vào những điểm đặc biệt này sẽ giúp kích hoạt các huyệt đạo, từ đó mang lại tinh thần sảng khoái và tâm trí nhẹ nhõm hơn.
Các điểm cần tập trung hơn cả bao gồm:
Cạnh bàn tay
Đầu và đuôi lông mày
Dưới mắt
Dưới mũi
Cằm
Xương đòn
Xương sườn
Đỉnh đầu