Lòng đỏ trứng gà có thể có nhiều sắc độ khác nhau từ màu vàng nhạt cho đến cam đậm. Vậy ăn loại nào tốt cho sức khỏe hơn?
Trứng gà là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng. Trong trứng có đủ protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng, các loại men và hormon.
Cụ thể thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng gà bao gồm: Protein (6 gram), chất béo lành mạnh (5 gram), Vitamin A (6% RDA-Recommended dietary allowance- nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị), Folate (5% RDA), Vitamin B5 (7% RDA), Vitamin B12 (9% RDA), Vitamin B2 (15% RDA), Photpho (9% RDA), Selen (22% RDA). Ngoài ra, mỗi quả trứng còn chứa một lượng lớn vitamin D, vitamin E, vitamin K, vitamin B6, canxi và kẽm… Có thể nói trứng gà chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động khỏe mạnh.
Màu của lòng đỏ trứng gà là do chế độ dinh dưỡng của gà mái.
Tuy nhiên khi ăn bạn sẽ thấy một số quả có lòng đỏ màu cam sẫm trong khi những quả khác có lòng đỏ màu nhạt hơn. Tại sao lại như vậy và màu của lòng đỏ có phản ánh giá trị dinh dưỡng của trứng hay không?
Theo nghiên cứu, sự khác biệt về màu sắc của lòng đỏ trứng không được quyết định bởi giống gà mà do chế độ ăn uống và sức khỏe của con gà đẻ trứng. Những con được ăn thực phẩm chứa nhiều sắc tố vàng cam thì lòng đỏ sẽ có màu đậm hơn.
Cụ thể lòng đỏ màu vàng nhạt cho thấy gà mái ăn theo chế độ có hàm lượng xanthophyll thấp (xanthophyll là các sắc tố màu vàng xuất hiện rộng rãi trong tự nhiên), thường chỉ giới hạn ở các loại thức ăn bao gồm ngô, lúa mì hoặc lúa mạch.
Lòng đỏ màu vàng pha cam cho thấy gà mái chủ yếu ăn ngô vàng, cỏ linh lăng, các nguyên liệu thực vật khác có sắc tố xanthophylls và một lượng nhỏ protein.
Lòng đỏ màu cam đậm cho thấy trứng là sản phẩm của những con gà mái được nuôi trên đồng cỏ có chế độ ăn bao gồm cỏ tươi, sâu và châu chấu. Chế độ này rất giàu carotenoid, nên cho ra lòng đỏ màu cam “đậm đà”. Trứng màu đậm có thể có nhiều omega-3 và vitamin hơn do gà ăn được nhiều thức ăn tự nhiên hơn. Một số nghiên cứu còn cho thấy kết hợp hạt Chia vào chế độ ăn của gà mái cũng sẽ cho ra lòng đỏ sẫm hơn.
Về mùi vị, một số đầu bếp nói rằng lòng đỏ có màu đậm (ví dụ màu cam) sẽ có “hương vị nổi bật hơn” so với những loại lòng đỏ trứng có màu nhạt. Điều này có thể là do ảnh hưởng từ màu sắc khiến cảm nhận về hương vị đổi khác, nhưng dường như không đáng kể.
Một số người cho rằng lòng đỏ trứng càng sẫm đồng nghĩa trứng càng nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên sự thật không hẳn như vậy. Theo tiến sĩ Paul, lòng đỏ vẫn sẽ cung cấp lượng protein và chất béo như nhau, bất kể màu sắc, mặc dù một số nghiên cứu cho thấy lòng đỏ đậm có thể cung cấp nhiều vitamin và ít cholesterol hơn một chút.
Nói chung, dù trứng có màu đậm hay nhạt thì cũng không ảnh hưởng đáng kể đến giá trị dinh dưỡng tổng thể. Do đó bạn có thể ăn bất cứ quả trứng nào mà không cần quá phân vân về màu sắc của lòng đỏ.
Ai nên và không nên theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten?
Gluten là loại prôtêin có trong các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen…
Tuy là nguyên liệu chính của những thực phẩm phổ biến như mì và bánh mì, song gluten có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho một số người mẫn cảm với loại prôtêin này.
Đây là lý do các chuyên gia nghiên cứu để xác định những đối tượng nên thực hiện chế độ ăn không chứa gluten (gluten-free diet).
Ảnh: Healthline
Ai nên theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten?
Theo các chuyên gia, bất kỳ ai mắc các bệnh sau đây cần kiêng ăn gluten để bảo vệ sức khỏe:
Bệnh Celiac (không hấp thu gluten). Đây là một bệnh tự miễn của hệ tiêu hóa. Ở người mắc bệnh này, việc dung nạp gluten sẽ kích hoạt hệ miễn dịch hủy hoại lớp niêm mạc của ruột non. Điều này ảnh hưởng xấu đến quá trình hấp thụ dưỡng chất và theo thời gian có thể khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do vậy, người mắc bệnh Celiac nên tuân thủ chế độ ăn không chứa gluten suốt đời.
Hội chứng ruột kích thích (IBS). Bệnh tiêu hóa mãn tính này có thể dẫn tới chứng chuột rút, đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy và táo bón. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology, chế độ ăn không chứa gluten có công dụng làm giảm các triệu chứng IBS.
Nhạy cảm với gluten, nhưng không phải bệnh Celiac. Tuy trải qua các triệu chứng giống như dấu hiệu của bệnh Celiac, nhưng một số người lại không có kết quả dương tính khi xét nghiệm bệnh này. Những trường hợp như vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc thử áp dụng chế độ ăn không chứa gluten một thời gian để đ.ánh giá mức độ thích hợp (triệu chứng bệnh giảm đồng nghĩa nên tiếp tục áp dụng cách ăn uống này).
Dị ứng lúa mì: Một số người có thể bị dị ứng với tất cả các loại prôtêin có trong lúa mì (bao gồm albumin, globulin, gliadin và gluten). Do vậy, chế độ ăn không chứa gluten hoặc lúa mì sẽ giúp ích cho họ.
Ngoài lợi ích giảm tình trạng viêm ở người mắc bệnh Celiac và các bệnh viêm ở hệ tiêu hóa như IBS, chế độ ăn không chứa gluten còn có thể hỗ trợ cho những người muốn giảm cân, nhờ loại bỏ hết các loại thức ăn vặt và thực phẩm chế biến sẵn kém lành mạnh ra khỏi thực đơn.
Người bình thường không nên chọn chế độ ăn không chứa gluten
Các sản phẩm từ lúa mì – như bánh mì, ngũ cốc và mì ống – cung cấp những dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, các loại vitamin (riboflavin, folate, thiamin, niacin…), khoáng chất và vi chất dinh dưỡng. Vì thế, chế độ ăn không chứa gluten dễ khiến cơ thể bị thiếu hụt dưỡng chất, dẫn tới nguy cơ khởi phát các triệu chứng liên quan đến thiếu hụt dưỡng chất. Đây là lý do những người có sức khoẻ bình thường, tức có thể hấp thu gluten và không mắc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào kể trên, nên duy trì chế độ ăn bình thường để đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Mặt khác, theo đuổi chế độ ăn không chứa gluten đồng nghĩa bạn cần thay thế đa số thực phẩm dễ tìm bằng các thực phẩm không chứa gluten nhập khẩu có giá thành cao, sẽ thêm tốn kém.
Tóm lại, chế độ ăn không chứa gluten đòi hỏi người áp dụng phải có kế hoạch ăn uống chặt chẽ, nếu không có thể tiềm ẩn một vài rủi ro. Vì vậy, tốt nhất là những người bị dị ứng thực phẩm – gồm cả gluten – nên hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào trong cách thức ăn uống hằng ngày.